Chuyển đổi đối tượng thủy sản nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu (Lượt xem: 2649)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 12/06/2024

Hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tại tỉnh Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp; chú trọng khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái; giúp hộ nuôi xác định vật nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi đối tượng thủy sản nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu
 Mô hình nuôi Cua biển của Hợp tác xã (HTX) nông ngư Hòa Đê.

Trong những năm gần đây, thực tế tại tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận thiệt hại phát sinh đối với nghề nuôi trồng thủy sản, do các yếu tố môi trường, dịch bệnh… Tình trạng nắng nóng kéo dài, mặn lấn sâu vào nội đồng, các kênh thủy lợi cấp nước không đảm bảo,.. cũng đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời “phối hợp với các đơn vị có liên quan, các địa phương tuyên truyền, vận động và đưa ra những giải pháp kỹ thuật giúp bà con có những thông tin cơ bản để chuyển đổi những mô hình phù hợp. Khuyến cáo bà con thực hiện theo khung lịch thời vụ của ngành, tùy tình hình địa phương và thời tiết, khí hậu mà có sự điều chỉnh phù hợp. Ngành tăng cường công tác quan trắc môi trường để đưa ra những dự báo, cảnh báo và giải pháp kịp thời đến bà con nuôi thủy sản và tôm nước lợ để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phối hợp rà soát những công trình sung yếu, nạo vét những kênh cấp thoát nước để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản”, ông Đồ Văn Thừa (ảnh dưới) - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nói.

Gần 3 năm nay, gia đình ông Lê Văn Hùng ở ấp Bình Hòa 2, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên đã quyết định tận dụng lại 1 ha ao nuôi sẵn có để chuyển hẳn qua nuôi Tôm Càng xanh là đối tượng thủy sản nước ngọt, sau nhiều năm thua lỗ do nuôi con Tôm sú và Tôm Thẻ chân trắng. Theo ông Hùng “Tôm Càng xanh có ưu điểm là có thể thích nghi và phát triển tốt ở độ mặn dao động đến 15‰, nên dù môi trường, thời tiết có tác động cũng rất ít khi xảy ra thiệt hại trên Tôm”. Chia sẻ thêm, ông nói “nuôi con Tôm càng xanh rất dễ chăm sóc, dịch bệnh cũng không có. Cho Tôm ăn gạo lứt, dừa khô hoặc Cá Phi có sẵn trong ao. Tôm đến ngày thu hoạch chỉ cần gọi điện thoại là lái đến tận ao để mua. Giá bán và đầu ra ít phụ thuộc vào sự biến động của thị trường như con Tôm sú hay Tôm Thẻ chân trắng”.

Bên cạnh nguồn thức ăn công nghiệp, người nuôi còn có thể tận dụng nguồn phụ phế phẩm khác trong chăn nuôi và một số loại cá tạp sẵn có để bổ sung thêm cho Tôm ăn nên tiết kiệm được chi phí. Tôm đến cỡ xuất bán, mỗi ngày nông dân có thể thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa” với giá dao động từ 120.000 - 140.000/kg.  

Ông Lê Văn Hùng (áo thun xanh) tiếp ngành chuyên môn đến tham quan mô hình nuôi Tôm Càng xanh của HTX.

Dịch bệnh phức tạp, thiệt hại trên tôm nuôi gia tăng là nguyên nhân chính khiến nhiều thành viên tại Hợp tác xã (HTX) nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên không còn mặn mà gắn bó với nghề nuôi tôm. Đầu năm 2024, HTX đã mạnh dạn thí điểm mô hình nuôi 10 ha Cua Biển trên ao nuôi sẵn có vì Cua có giá trị kinh tế cao, có thể thích nghi tốt ở độ mặn từ 5 - 30 ‰ nên Cua Biển được xem là vật nuôi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của HTX nông ngư Hòa Đê thì nuôi Cua Biển có tỷ lệ hao hụt rất ít (khoảng 30), ít tốn chi phí đầu tư hơn so với Tôm Sú, Tôm Thẻ và một số giống thủy sản khác vì có thể tận dụng cá tạp, còng, ốc, hến,... để cho Tôm ăn; giá bán luôn tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu dùng nên người nuôi không lo ngại đầu tư thua lỗ. An tâm lớn nhất của thành viên HTX là Cua nuôi đạt trọng lượng từ 150 - 200 gram/con (khoảng 70% thịt) sẽ được công ty hợp đồng thu mua với giá ổn định từ 140.000 - 180.000 đ/kg.

Theo ông Mã Văn Hồng (ảnh trên) - Giám đốc HTX nông ngư Hòa Đê, cho biết, từ khi nuôi đến giờ chưa thấy Cua bị bệnh gì, con giống cũng rất rẻ, 1.000 con chỉ vài trăm ngàn đồng. Còn nuôi con Tôm thì mình phải đầu tư rất lớn, từ thức ăn, con giống, chất xử lý môi trường, nếu xử lý không khéo sẽ gây ra thiệt hại, rủi ro lại rất cao.

Thực tế đã chứng minh, trước những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu thì việc đa dạng hóa, chuyển đổi linh hoạt đối tượng thủy sản nuôi trong từng giai đoạn, được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp nông dân duy trì sinh kế ổn định, giảm áp lực đối với nghề nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, để các mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế, đòi hỏi nông dân cần xác định được đối tượng vật nuôi phù hợp, nắm vững các yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và cung/cầu của thị trường tiêu thụ./.

 Trọng Phước, Ngọc Thơ

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online